Xử lý vi phạm xây dựng: Rối vì luật đá nhau

(16/12/2018 | 10:17)
Chia sẻ  Facebook

Quy định chồng chéo đã khiến công tác quản lý trật tự trên địa bàn TP.HCM thời gian qua trở nên lúng túng. Điển hình là việc cấp phép xây dựng ở nông thôn.

vi phạm xây dựng
Xử lý vi phạm xây dựng: Rối vì luật đá nhau

Xử phạt vi phạm xây dựng: “Đụng đâu vướng đó”

Theo một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM), năm 2016 trên địa bàn huyện này đã phát hiện trên 800 trường hợp vi phạm xây dựng. Bình Chánh được xem là điểm “nóng” về vi phạm xây dựng. Không dừng lại ở đó, tình trạng người dân tự phân chia đất nông nghiệp xây dựng nhà “ba chung” cũng diễn ra rất phổ biến khiến công tác kiểm tra và xử phạt vô cùng gian nan.

Vào tháng 3/2017, huyện Bình Chánh đã liên tịch với Sở Xây dựng về xử lý điểm nóng vi phạm xây dựng. Sau hơn 1 năm thực hiện, huyện đã giảm được 60% tức khoảng 500 trường hợp sai phạm.

“Bình Chánh có 39 điểm dân cư nông thôn, nhưng đến nay mới được duyệt quy hoạch 3 điểm, còn 36 điểm đang trình. Tại đây quy hoạch rất khó khăn vì diện tích nông nghiệp quá lớn, tới 16.000 ha. Nhà dân có trong 3 điểm quy hoạch dân cư nông thôn thì huyện vẫn cấp phép xây dựng bình thường. Đối với những điểm còn lại đang rất lúng túng”, vị này cho biết.

Mặt khác, tại huyện Cần Giờ đến nay chỉ mới có quy hoạch 1/2000, chưa có quy hoạch 1/500. Chính quyền đã cấp phép xây dựng cho người dân theo quy hoạch 1/2000. Tuy nhiên, mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng đã đến làm việc và kết luận việc cấp phép xây dựng của huyện là chưa phù hợp, yêu cầu chừng nào có quy hoạch chi tiết 1/500 mới được cấp phép xây dựng. Thế nên, ngay cả người dân có đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản muốn cất chòi để canh ao đầm cũng không được phép. Điều này đã khiến người dân Cần Giờ phản ứng rất dữ dội.

xu ly vi pham xay dung roi vi luat da nhau

Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, quy định tại Nghị định 139 của Chính phủ lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, nếu không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng…

Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể biện pháp chế tài nếu tổ chức cá nhân không chấp hành dừng thi công xây dựng công trình. “Công trình vi phạm xây dựng sớm hay muộn đều phải bị cưỡng chế, nên không nhất thiết phải cho người vi phạm thời hạn 60 ngày để làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng. Đồng thời người vi phạm có thể có hành vi tiếp tục thi công công trình. Do đó, việc chỉnh sửa quy định này là rất cần thiết và cấp bách”, ông Bình kiến nghị.

“Nghị định 139 hiện đang sửa, trong thời gian ngắn mới bổ sung được một số điều, còn nhiều điều chưa thể sửa đổi hết. Hiện đang dự thảo sửa đổi luật Xây dựng, luật Kinh doanh bất động sản cũng đang sửa để trình Chính phủ phê duyệt”

Ông Hoàng Hải (Cục trưởng Cục Công tác phía nam - Bộ Xây dựng)

Ngoài ra, tình trạng phát sinh xây dựng sai phép, không phép hiện nay thường rơi vào những nhà có biệt thự hoặc nguồn gốc biệt thự, bởi theo quy định thì biệt thự không được xây dựng, tách thửa. “Hiện nay cứ là biệt thự là không được cấp phép mới mà chỉ cho sửa chữa theo hiện trạng. Dân chết cứng, than trời”, lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận cho hay.

Luật không theo kịp diễn biến thị trường

Trưởng phòng Cấp phép Sở Xây dựng, ông Tống Đức Tiến cho rằng, hiện nay đang có độ “vênh” giữa nghị định cấp phép xây dựng và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Đơn cử theo quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng, có nhiều tuyến đường được xây 10 tầng, nhưng trong quy hoạch phân khu thì chỉ cho 8 tầng.

xu ly vi pham xay dung roi vi luat da nhau

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Công tác phía nam - Bộ Xây dựng cho rằng, quy định pháp luật hiện nay vẫn chưa đi bao quát hết được các hoạt động xây dựng. Rất nhiều tỉnh thành khác cũng đã đề cập về vấn đề cưỡng chế gặp khó khăn khi không đủ con người, nguồn lực. Hơn thế, các chế tài xử lý như cắt điện, nước… nay không còn cũng đã gây khó khăn trong xử lý vi phạm xây dựng.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận, xây dựng sai phép, không phép có kéo giảm nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Biên chế thanh tra hiện nay của thành phố hơn 1.000 thanh tra viên và nhân viên xây dựng, nhưng vẫn “mỏng” so với địa bàn rộng và xây dựng phức tạp.

“Tại quận Thủ Đức, đối với những công trình xin xây dựng nhà riêng lẻ nhưng hô biến thành chung cư mini, địa phương phải xử lý nghiêm. Hiện nay trong quá trình chưa sửa nghị định phải đối chiếu với quy hoạch phân khu để cấp phép và quản lý quy hoạch. Quy hoạch điểm dân cư nông thôn là cơ sở để cấp phép xây dựng, các địa phương khẩn trương lập và phê duyệt đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Những địa phương chờ phê duyệt thì Sở Xây dựng sẽ làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt nhằm có cơ sở cấp phép và quản lý xây dựng cho người dân”, ông Tuấn phát biểu.

NhaDatNhanh.vn





 
Xem phong thuy CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY Xem phong thuy