Cụ thể, Sở Nội vụ TP.HCM đã dự thảo đề cương sơ bộ của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tờ trình của của Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM trình Ban thường vụ Thành ủy và tờ trình của Ban thường vụ Thành ủy trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Trước đó, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo việc xây dựng đề cương sơ bộ của đề án này và dự thảo các tờ trình, dự kiến trình Ban thường vụ Thành ủy thành phố thông qua trong tháng 11/2019, từ đó đệ trình Bộ Chính trị trong tháng 12 năm nay.
Đề cương sơ bộ của Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị tại TP.HCM gồm 4 phần, nêu lên sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng đề án; thực trạng tổ chức chính quyền tại TP.HCM, trong đó có thực trạng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; nêu rõ định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM; nói rõ cách thức tổ chức thực hiện, trong đó có dự báo tác động của việc triển khai mô hình.
Cũng theo nội dung đề cương, định hướng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM sẽ theo hướng: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc thành phố và phường, xã, thị trấn). Sẽ không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố thuộc thành phố, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Ngoài ra, định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (quận 2, 9, Thủ Đức) thuộc Khu đô thị sáng tạo phía đông, thành lập mô hình “thành phố thuộc TP.HCM”.
Xây dựng chính quyền đô thị là một mục tiêu tâm huyết mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ TP.HCM theo đuổi trong một thời gian dài. Ý tưởng này đã xuất hiện từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9/2013 HĐND TP.HCM mới chính thức thông qua dự thảo về đề án chính quyền đô thị sau rất nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, cân nhắc và tiếp thu ý kiến góp ý từ nhiều phía.
Chia sẻ quan điểm về chủ trương trên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng TP.HCM rất táo bạo, tâm huyết với mục đích xây dựng cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước.
Tuy nhiên, khi trình lên trung ương, đề án này đã không được thông qua vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có lý do vướng mắc liên quan đến Hiến pháp, pháp luật. Đề án này sau rơi vào tình trạng yên lặng từ đó đến nay.
Mặc dù vậy, lãnh đạo TP.HCM vẫn xác định kiên trì theo đuổi và tiếp tục kiến nghị được thí điểm thực hiện mô hình này để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính đất nước.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra sẽ xem xét Đề án chính quyền đô thị theo đề xuất của Hà Nội. Mô hình này gồm 2 cấp thành phố và quận, cùng cơ quan hành chính cấp phường. Ở nông thôn vẫn duy trì 3 cấp chính quyền gồm thành phố, huyện (thị xã), xã (thị trấn). Dự kiến 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
NhaDatNhanh.vn
![]() |
CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY |
![]() |