UBND TP.HCM vừa ký Quyết định 30/2017/QĐ-UBND, sửa đổi bảng giá đất được ban hành kèm theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND (ngày 31/12/2014) của UBND TP quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM, áp dụng từ ngày 01/01/2015 đến 31/12/2019. Quyết định số 30 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2017, trong đó bổ sung bảng giá của 17 nhóm tuyến đường thuộc các quận, huyện: 2, 6, 9, 10, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ.
Dù đã được điều chỉnh nhưng một số khu vực “sốt đất” như quận 2, quận 9 (phía Đông) hoặc quận 7 (phía Nam) vẫn thấp hơn giá thị trường nhiều lần, chỉ từ 5,2 – 15 triệu đồng/m2. Cụ thể như đường 52-BTT đoạn từ Lê Hữu Kiều – Bát Nàn (quận 2) có giá 5,2 triệu/m2 hoặc đường song hành dự án 131 ha (phường An Phú, quận 2) có giá 15 triệu đồng/m2. Đường Võ Chí Công đoạn từ cầu Bà Cua – cầu Phú Hữu (quận 9) giá đất chỉ 4,2 triệu đồng/m2.
Tiếp đến là khu vực nội thành như quận Phú Nhuận, giá đất thị trường dao động khoảng 150 – 200 triệu/m2 nhưng hầu như không có người bán, nhưng giá công bố theo Quyết định 30 chỉ từ 13,8 – 30 triệu đồng/m2. Tương tự, tại khu vực quận 10, giá đất mới công bố cũng chỉ từ 22 – 23,4 triệu đồng/m2; khu vực quận Gò Vấp có 3 tuyến đường điều chỉnh giá và đường Nguyễn Thái Sơn trục đường để vào trung tâm chỉ có giá đất từ 11,8 – 20 triệu đồng/m2; khu vực huyện Nhà Bè, đường Lê Văn Lương có giá từ 2,4 – 4,2 triệu đồng/m2.
“Áp dụng theo bảng giá đất công bố, thì một căn nhà tại quận 10 có giá thị trường khoảng 190 triệu đồng/m2 nhưng giá đất “niêm yết” là 23,4 triệu đồng/m2; đồng nghĩa nếu khu vực đó đền bù giải toả, mở rộng đường giá đền bù mỗi mét chưa bằng 1/7 giá thị trường thì người dân sẽ rất thiệt thòi", một cán bộ địa chính tại TP.HCM cho hay.
Theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, việc giá đất chính quyền đưa ra thấp hơn giá trị thực từ 30 – 50% là do dựa trên Luật Đất đai 2013 do Chính phủ ban hành; trong đó nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. UBND cấp tỉnh được điều chỉnh không quá 30% so với quy định. Việc giá đất nâng cao theo thị trường thì Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ quyết định theo thẩm quyền.
Ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, áp khung giá đất như trên sẽ khiến người dân được lợi phần nào khi làm thủ tục giấy tờ, đất đai. Tuy nhiên, điều đó chỉ có lợi đối với các trường hợp làm mới giấy tờ nhà đất và không có lợi với trường hợp giải tỏa đền bù.
Đối với việc áp dụng hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất do Chính phủ ban hành) thì mức cao nhất cũng chỉ hơn 3 lần nên việc áp giá cũng không nhiều. Hệ luỵ của vấn đề này là khi doanh nghiệp đầu tư dự án, người dân không có cơ sở thẩm định giá đền bù, dễ gây bức xúc.
Ông Châu cho hay, HoREA đã có nhiều kiến nghị liên quan đến việc xác định giá đất tại Thành phố. Ông cho rằng nếu áp dụng hệ số K cho khu vực 1 là 1,2 thì các tuyến đường “đất vàng” ở quận 1 như phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng chỉ tới 194 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với thị trường.
“Bảng giá đất của TP.HCM hiện nay đang áp dụng chưa phù hợp với nguyên tắc “giá phổ biến trên thị trường”, kể cả đất ở các vị trí có giá cao nhất lẫn vị trí trong hẻm sâu có giá thấp nhất. Bảng giá đất của thành phố hiện chỉ tương đương khoảng 30 – 40% giá đất trên thị trường, cần phải xem xét lại cho phù hợp”, ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.
Trên cơ sở đó, đại diện HoREA kiến nghị theo hướng Chính phủ không ban hành khung giá đất mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất, đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường.
NhaDatNhanh theo NDH
![]() |
CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY |
![]() |