Dưới đây là câu chuyện mua đất xây nhà sai lầm của chị Diệu Vy, 31 tuổi, hiện sống ở TP.HCM:
Giữa năm 2015, vợ chồng tôi mua một miếng đất rộng 70m2 tại một quận gần trung tâm TP.HCM. Giá bán bấy giờ là 1,2 tỷ. Chị bán đất cho chúng tôi cũng nói rõ tình trạng đất chung sổ đỏ lớn với gia đình, hiện cả nhà đang làm thủ tục tách sổ sau khi người bố qua đời. Vì cần một số tiền lớn để làm ăn nên chị bán cho chúng tôi. Quan trọng hơn là chị đang nợ bố mẹ tôi 300 triệu, chị cũng chịu ơn giúp đỡ nhiều của bố mẹ tôi nên bán rẻ. Chúng tôi chỉ phải trả thêm 900 triệu là được nhận đất. Khi nào làm giấy tờ sở hữu riêng, chúng tôi sẽ bỏ thêm ít tiền để hoàn tất việc thủ tục giấy tờ.
Tuy hiểu rõ tình trạng đất chung sổ đỏ, nhưng vì thấy giá bán quá “hời” nên vợ chồng tôi vẫn háo hức mua ngay. Thời điểm lúc đó, ngôi nhà 4 tầng đối diện mảnh đất của chúng tôi mua chỉ rộng 50m2, vừa được bán với giá 2,4 tỷ.
Miếng đất chung sổ đỏ của chúng tôi mua có đường vào khá đẹp. Khoảng đường trước nhà là 3m nhưng chỉ cần đi qua một nhà là có thể ra đến con đường rộng 8m, dẫn đến một khu dân cư yên tĩnh, thoáng mát. Chúng tôi cũng được biết, miếng đất này vốn là một phần trong một khu đất lớn rộng hơn 500m2, thuộc sở hữu của một đại gia đình. Sau này, khu đất đó được phân ra thành 6 lô, chia cho các thành viên trong gia đình. Lô đất chúng tôi mua là phần của chị bán đất thừa kế từ bố.
Trong số này, có 4 lô đã xây nhà 2 tầng khoảng hơn 10 năm trước. Riêng lô trong cùng đang có một căn nhà cấp 4. Các gia đình thỉnh thoảng cũng cho sửa chữa, bảo trì lại nhà như lát gạch, thay công trình phụ, thay cửa… và tất cả đều không xin phép địa phương. Vì thế, vợ chồng tôi tin rằng mình cũng có thể dễ dàng xây nhà trên khu đất chung sổ đỏ này.
Khi chuẩn bị xây nhà, vợ chồng tôi lên phường xin giấy phép xây dựng thì được hướng dẫn phải có chữ ký đồng ý của những người đồng sở hữu miếng đất. Sau khi có được chữ ký của các thành viên trong gia đình nọ, tôi quay lại phường thì mới vỡ lẽ ra chuyện khu đất có nhà cấp 4 kia đang tranh chấp với hai nhà hàng xóm nữa. Đây chính là lý do khiến mảnh đất của đại gia đình này mãi chưa thể tách sổ riêng được.
Mọi người khuyên tôi, nếu không xin phép xây nhà được thì quây tôn bên ngoài, rồi cho xây bên trong. Các gia đình trước đây khi xây cũng không có giấy phép. Không còn lựa chọn nào khác, đầu năm 2016, gia đình tôi quyết định quây tôn, xây “chui”.
Lúc đó, việc quản lý xây dựng ở địa phương rất chặt chẽ. Vợ chồng tôi phải chở vật liệu xây dựng trong đêm để không bị cán bộ địa phương phát hiện. Thế nhưng, khi chúng tôi vừa đổ móng xong thì bị cán bộ phường đến kiểm tra và lập biên bản, không cho xây tiếp nữa. Tạm dừng 3 tháng, chúng tôi lại tìm nhóm thợ khác, nhưng cũng chỉ được vài bữa thì lại bị cán bộ phường đến lập biên bản, yêu cầu phá công trình xây không phép. Sau 2 lần bị nhắc nhở, chúng tôi đành ngưng hoàn toàn việc xây nhà trên khu đất chung sổ đỏ này.
Một người làm dịch vụ xây dựng khuyên chúng tôi nên lên phường, đề nghị cho xây nhà với cam kết sẽ chịu toàn bộ chi phí phá dỡ trong trường hợp Nhà nước yêu cầu. Nên dù có được cấp phép xây nhà cấp 4, thì chúng tôi sẽ luôn trong tình trạng tạm bợ, không biết bao giờ sẽ bị yêu cầu phá dỡ. Suy đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định không xây nữa.
Đến nay đã gần 3 năm, gia đình của chị bán đất vẫn chưa giải quyết được tranh chấp với hàng xóm, đồng nghĩa các lô đất vẫn chưa có sổ đỏ riêng. Chúng tôi từng ngỏ ý muốn trả lại đất và lấy lại tiền nhưng không được vì chị đã dùng hết số tiền đó rồi.
Chỉ vì ham rẻ mà chúng tôi bỏ tiền ra mua đất để không, mua sự bực bội và rắc rối về cho mình, cứ sống trong tâm trạng chờ đợi, phụ thuộc người khác rằng không biết bao giờ việc của mình mới được giải quyết.
![]() |
CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY |
![]() |