May mắn không nằm trong số những lao động bị kết thúc hợp đồng vào tháng 10 năm rồi, nhưng từ đó đến nay anh Quốc Thái (28 tuổi, quận 8) cũng không nhận được đồng lương nào và cũng không có thưởng trong dịp Tết. Kỳ vọng năm mới của Thái là thị trường sẽ sớm tốt lên, nếu tốt nhất là quý 2 năm nay thị trường có chuyển biến, các chính sách quản lý ổn định để hoạt động mua bán lại bình thường.
Hiện tại đã ra Tết, công ty chưa có thông báo gì mới nên Thái vẫn đang phải kiếm thêm công việc bán thời gian làm tạm thời để có thu nhập. Anh cũng thường xuyên quan sát thị trường, duy trì liên hệ với các khách hàng trước đó để nắm bắt tình hình cũng như duy trì nguồn khách cùng các kỹ năng bán hàng, marketing. “Tôi chỉ mong công ty sẽ sớm có thông báo triển khai dự án mới để có nguồn hàng giao dịch, có công ăn việc làm cho các nhân viên sale không tiếp cảnh ngồi chơi xơi nước”, Thái chia sẻ.
Môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn khi thị trường giảm nhiệt, thanh khoản yếu.
Cùng cảnh vài tháng không được nhận lương, chị Thùy Anh ( 31 tuổi, TP.Thủ Đức) cho biết, công ty chị may mắn vì vẫn có dự án để giao dịch và ban lãnh đạo có hỗ trợ hoa hồng cho nhân viên nếu có giao dịch. Tuy nhiên thực tế là thị trường gần như nguội lạnh, người mua không xuống tiền, thậm chí một số khách mua nhà đã cọc tiền cũng quay lại hủy hợp đồng, đòi lại cọc.
“Từ tháng 10 đến nay công ty mình không có giao dịch mới. Hiện tại, mình đang kiếm thêm từ bán hàng online và vẫn phải tự bỏ chi phí để chạy quảng cáo cho dự án để mong giữ chân khách hàng tiềm năng. Công ty có hứa sẽ cố gắng trả lương còn nợ cho nhân viên vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 năm nay nếu thị trường có tín hiệu tốt hơn. Mình không mong gì hơn là năm nay sẽ có cải thiện, ít nhất là quý 2 tới đây thị trường sẽ có khởi sắc chứ đừng tiếp tục nguội lạnh như bây giờ”, Thục Anh chia sẻ.
Trải qua một năm 2022 nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp BĐS phải tái cơ cấu lại mô hình, tinh giản bộ máy nhân sự hoặc cho nhân viên nghỉ tạm thời. Dữ liệu của Bộ Xây dựng đến đầu năm nay cho thấy cả nước có hơn 1.100 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, con số thống kê không đầy đủ chỉ ra khoảng 10.000 nhân viên môi giới đã nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, với dòng tiền dễ được bơm vào thị trường, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa khiến nhu cầu mua bán bất động sản tăng cao ở tất cả phân khúc. Điều này kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch, môi giới BĐS. Nhưng từ cuối quý 2/2022 đến nay, thị trường BĐS dần lao dốc và rơi vào trạng thái “ngủ đông” vì bị ảnh hưởng bởi những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác. Hệ quả của thực trạng trên là hàng loạt công ty, sàn môi giới phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Những công ty còn hoạt động thì phải thu hẹp quy mô, cắt giảm bộ máy nhân sự để có thể sinh tồn. Nhiều doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nợ lương và buộc phải cho nhân viên nghỉ không lương.
Dự báo về thị trường chung trong thời gian tới, trên cơ sở phân tích giai đoạn khủng hoảng nhà đất năm 2008-2012, phải mất 1,5 năm từ khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất, thị trường BĐS mới bắt đầu đảo chiều và phục hồi. Vì vậy, nếu chỉ dựa trên chỉ báo lãi suất, kịch bản tích cực nhất là trần lãi suất có thể được điều chỉnh vào quý 1/2023, như vậy phải đến quý 2 hay quý 3/2024 thị trường mới có thể phục hồi.
Thị trường BĐS dự báo sẽ cần từ 4-6 quý để phục hồi nên môi giới BĐS cần có sự chuẩn bị trong dài hạn.
Còn xét trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, tăng trưởng tín dụng và chính sách là hai yếu tố mang lại tác động tích cực. Nếu đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng nới lỏng, theo đó cuối năm 2023 thị trường có thể bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, mọi giả thiết trên đều dựa trên tiền đề nếu thị trường BĐS nhận được hỗ trợ sớm. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu hoạt động phù hợp. Riêng với môi giới nhà đất, cần chuẩn bị tâm lý thị trường sẽ trầm lắng trong khoản thời gian không ngắn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong bối cảnh này, môi giới cần phải bình tĩnh và nên tìm một công việc tạm thời để mưu sinh. Bên cạnh đó, có thể tranh thủ thời điểm này để bổ sung kiến thức, hoàn thiện kỹ năng và đạo đức hành nghề. Môi giới cần xác định đây chỉ là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do yếu tố khách quan, còn bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, nếu giai đoạn này trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Hiện nay Chính phủ, Quốc hội đang đẩy mạnh việc sửa đổi các luật để khắc phục bất cập, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở... bên cạnh đó cũng lập tổ công tác để thúc đẩy tìm hướng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tích cực giải ngân tín dụng cho vay với các doanh nghiệp có đủ điều kiện huy động, phát triển sản phẩm nhà ở giá rẻ phục vụ nhu cầu thực. Thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ thoát khó khăn và trở lại chu kỳ tăng trưởng mới thời gian tới.
NhaDatNhanh.vn
![]() |
CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY |
![]() |