Mặt bằng bán lẻ dần mất giá trước làn sóng thương mại điện tử

(16/05/2018 | 09:26)
Chia sẻ  Facebook

Trong quý 1/2018, 3 dự án trung tâm thương mại đóng cửa và 3 dự án khác đổi chức năng. Tổng cộng thị trường mặt bằng cho thuê bán lẻ giảm đến 39.200 m2 sàn. Theo dự đoán, diện tích sàn cho thuê sẽ tiếp tục giảm trước làn sóng thương mại điện tử.

Mặt bằng cho thuê
Mặt bằng bán lẻ dần mất giá trước làn sóng thương mại điện tử

Mặt bằng cho thuê bán lẻ mất dần sức hút

Thời gian gần đây, giá mặt bằng cho thuê bán lẻ giảm trung bình 1% mỗi quý. Làn sóng công nghệ 4.0, đặc biệt là thương mại điện tử, đang định hình lại nhiều lĩnh vực cũng như thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Ông Liêu Hưng Tiến, giám đốc kinh doanh Công ty Haravan, cho biết cách đây khoảng 10 năm thì việc người tiêu dùng đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam là không thể. Giờ đây, hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới được giao tận tay khách hàng qua các trang thương mại điện tử. Đây là thử thách lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ hiện nay.

"Người mua hàng hiện rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng, với mô tả sản phẩm, nguồn góc và giá cả rõ ràng, cộng với việc người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ ship được đến tận nhà", ông Tiến nói.

Một báo cáo mới đây của Savills cho thấy tổng nguồn cung mặt bằng cho thuê hiện nay là hơn 1,2 triệu m2. Trong số đó có 73.000 m2 sàn mới từ 3 siêu thị và 2 trung tâm mua sắm vừa khai trương quý 1/2018. Thị trường đồng thời chứng kiến 3 dự án đóng cửa và 3 dự án đổi chức năng, tổng cộng giảm 39.200 m2 sàn. Khung cảnh các trung tâm thương mại vắng bóng người qua cũng không còn xa lạ.

Đến nay, Vissan đã đóng cửa hơn 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình trong những năm vừa qua để tái cơ cấu hiệu quả kinh doanh. Đây là minh chứng cho việc lợi thế cạnh tranh về địa lý và giá cả của doanh nghiệp đang dần giảm sút. Khách hàng nay có thể dễ dàng tìm được nhà cung cấp khác với giá và chất lượng tốt hơn thông qua các sàn thương mại điện tử.

Công nghệ thử thách kinh doanh truyền thống

Thương mại điện tử Việt Nam những năm qua liên tục “bành trướng”. Việc Alibaba thâu tóm Lazada nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường của gã khổng lồ này tại Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Lazada đã có kế hoạch đưa vào hoạt động kho ngoại quan ở biên giới Lạng Sơn. Hiện tại, người tiêu dùng đã có thể mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc trên Lazada.

mat bang ban le dan mat gia truoc lan song thuong mai dien tu

Tập đoàn Alibaba đã mua lại phần lớn cổ phần tại Lazada hơn 2 năm trước

Dần dần, hàng hóa của hệ sinh thái B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) và C2C (từ khách hàng đến khách hàng) của Alibaba như Taobao, 1688... cũng sẽ “lên kệ” Lazada và đến tay người dân Việt Nam.

Chưa kể đến chất lượng, độ đa dạng hàng hóa của thương mại điện tử chắc chắn sẽ lớn hơn một cửa hàng truyền thống nhiều. Ngoài Lazada, Việt Nam hiện nay còn có Tiki, A Đây Rồi, Lotte, Shopee, Sen Đỏ... khiến việc mua sắm online của người tiêu dùng tiện lợi hơn bao giờ hết.

Theo ông Tiến, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, nhưng làm thương mại điện tử thì họ không biết bắt đầu từ đâu. Vì vậy mà không khai thắc triệt để một phân khúc khách hàng béo bở khi Việt Nam có 60% dân số dùng internet, thời gian online lên đến 25 giờ/người/tuần.

"Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hoá ngoại nhập vào theo con đường thương mại điện tử. Trong lúc các mối đe dọa và nguy cơ tiềm ẩn đang hành động rất nhanh, thì các doanh nghiệp Việt Nam đa phần chỉ mới dừng lại ở hành động hô hào, mà chưa có hành động thực tiễn. Đối thủ đã đến bên cửa...", ông Tiến nói.

Thương mại điện tử càng phát triển, thương mại truyền thống càng giảm sút. Hiện tại, công suất mặt bằng cho thuê bán lẻ đang giảm nhẹ 1% mỗi quý. Các nguồn cung mới liên tục xuất hiện như công suất vẫn thấp, nhất là khu vực ngoài trung tâm. Không ít doanh nghiệp đã cắt giảm số lượng cửa hàng của mình vì thiếu hiệu quả.

Thế nhưng, đây chắc chắn không phải “hồi kết” cho các cửa hàng cũng như thị trường mặt bằng cho thuê bán lẻ. Xu thế kinh doanh hiện nay đang áp dụng giải pháp đa kênh (Omni-channel) để xóa bỏ ranh giới giữa bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp đều đang tập trung phát triển nhiều giải pháp giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn về cách thức mua hàng.

Giám đốc kinh doanh một công ty thương mại điện tử lớn cho biết trong bối cảnh bùng nổ công nghệ hiện nay, Omni-channel là giải pháp tối ưu để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Để kết nối từ online xuống offline và tạo một trải nghiệm xuyên suốt thì việc thuê mặt bằng và mở cửa hàng chắc chắn không thể bỏ qua. Vì thế, thị trường mặt bằng cho thuê chắc chắn vẫn còn sôi động dù có giảm sút.

NhaDatNhanh





 
Xem phong thuy CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY Xem phong thuy