Trận mưa kéo dài từ đêm 8/12 đến sáng ngày 9/12 đã gây ngập lụt ở Đà Nẵng, khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng như Trưng Nữ Vương, Hàm Nghi, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng... biến thành sông, hàng loạt nhà dân bị ngập sâu, có nơi ngập 1,5m đến 2m.
Trận mưa lớn khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng biến thành sông, hàng loạt nhà dân bị ngập sâu.
Điều đáng nói, theo nhiều người dân nơi đây, chưa bao giờ mưa lớn mà Đà Nẵng lại ngập sâu như bây giờ. “Tui sống mấy chục năm ni, chỉ có lũ lịch sử mới khiến Đà Nẵng ngập lụt. Chứ chưa khi mô thấy mưa lớn, sau chỉ một đêm, mà Đà Nẵng đã thành sông như ri”, một người dân ở quận Thanh Khê nói. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng có 3 nguyên nhân khiến gây ngập lụt ở Đà Nẵng sau trận mưa lớn vừa qua.
Nguyên nhân thứ nhất, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng chỉ ra là do phát triển đô thị một cách tùy tiện, không theo kế hoạch. Mỗi một đô thị được hình thành lên phải nương tựa vào địa hình tự nhiên. Các đô thị ven biển người ta cứ nghĩ rằng nước đổ ra biển là hết làm sao mà ngập. Nhưng ở đây có một vấn đề là Đà Nẵng đã phát triển một cách bừa bãi tất cả những đường ven biển, khu ven biển đã trở thành các resort. “Khi người ta xây dựng resort thì người ta tính cao độ của họ để làm sao cho các dự án ven biển đó không bị ngập tức là họ không quan tâm đến cốt nền chung của cả đô thị”, ông Tùng nói.
Nguyên nhân thứ hai là do quy hoạch thiếu sự kết nối giữa các dự án, vì việc phát triển đô thị thiếu hợp lý, tuỳ tiện thậm chí là phá vỡ quy hoạch mà hệ thống thoát nước của đô thị hiện hữu lại thường tính không phải đổ ra biển mà tính là đổ ra sông từ đó trả qua rồi mới ra biển.
“Nhưng hiện nay những dòng sông như sông Hàn (Đà Nẵng) cũng đang bị khai thác quá mức, xây dựng lấn chiếm ảnh hưởng đến sự lưu thoát của dòng chảy. Hệ thống cống thoát nước trong đô thị không kiểm soát được tức là cốt nền đô thị không kiểm soát được nên cốt để thoát nước cũng không kiểm soát được”, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ngập lụt ở Đà Nẵng chỉ sau một trận mưa kéo dài.
Nhiều xe sang bị chết máy, nằm chôn chân giữa đường ngập nước.
Nguyên nhân thứ ba là do việc phân lô, bán nền, xây dựng các dự án ở Đà Nẵng chạy theo chủ đầu tư. Việc xây dựng cao ốc, resort ven biển rất nhiều, thậm chí trên núi cũng làm resort ngăn ra để làm hồ, đến khi có sự cố thì hồ bục ra tạo thành áp lực nước rất lớn. “Ở đây chúng ta không thể chống lại được thiên nhiên. Chúng ta phải thích ứng với thiên nhiên mà muốn thích ứng với thiên nhiên thì trong phát triển đô thị phải nắm rõ địa hình thuỷ văn cấu trúc của đô thị đó. Chúng ta phải luôn luôn đề phòng biến đổi khí hậu hiện rất phức tạp cho nên phải có nhiều kịch bản. Kịch bản ngày hôm nay nhưng phải tính được cả ngày mai. Mà để làm được điều đó thì phải có tư duy quản lý đô thị của chính quyền thành phố”. - Ông Tùng chia sẻ.
Về giải pháp để hạn chế xảy ra ngập lụt sau những trận mưa lớn, đặc biệt như trận ngập lụt ở Đà Nẵng vừa qua, vị Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vấn đề ở đây là phải tăng cường công tác quản lý đô thị trách nhiệm của chính quyền đô thị trước nhân dân.
“Phải có tầm nhìn dự án. Ở Đà Nẵng nếu sông Hàn khai thác tốt, hệ thống cống trong thành phố tốt thì chẳng bao giờ ngập cả. Đấy là tác hại của việc phát triển nóng, phát triển không theo quy hoạch. Đó là tầm nhìn ngắn hạn của công tác quản lý đô thị”, vị này khẳng định.
NhaDatNhanh.vn
![]() |
CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY |
![]() |