Năm 2013, anh Quyết mua được một miếng đất gần 600m2, tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, trong đó có 250m2 đất thổ cư. Sau ba năm đất để không, anh quyết định xây biệt thự ngoại thành, đủ cho cả gia đình ở vì đã chán cảnh chật chội trong căn nhà cấp bốn chỉ rộng 35m2 với 5 thành viên, 3 thế hệ chung sống. Anh xây hết 250m2, làm nhà một trệt một lầu với tổng cộng 5 phòng ngủ. Diện tích đất còn lại anh làm vườn, trồng hoa, trồng rau. Sau 8 tháng thi công, ngôi nhà mới hoàn thiện, tiêu tốn hết của anh hơn 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, niềm vui được ở biệt thự ngoại thành to đẹp nhanh chóng trở thành nỗi phiền muộn vì đi lại vất vả. Niềm vui khoe nhà cho đối tác, bạn bè sau một thời gian cũng đã nguội. Đầu năm 2018, anh vay mượn tiền (với hy vọng sớm bán được biệt thự ở Nhà Bè), sửa lại ngôi nhà ở quận 7 thành 3 tầng rồi đưa cả gia đình về lại đây. Tuy nhiên, từ đó đến nay, biệt thự ngoại thành kia vẫn chưa thể sang tên do khách trả giá quá thấp, họ không có nhu cầu mua nhà mà chỉ muốn mua đất của anh.
Căn biệt thự ngoại thành rộng gần 1.500 m2 ở Bình Chánh, khu vực giáp Long An, của vợ chồng ông Hùng cũng trong tình trạng tương tự nhà anh Quyết: rao bán cả năm nay không ai mua. Biệt thự của ông xây một trệt một lầu, diện tích sàn là 520m. Ngoài ra ông còn có hồ bơi, vườn tược gần 1.000 m2 nữa. Năm 2012, khi xây biệt thự này với số tiền 5,2 tỷ, vợ chồng ông đều ngoài 50 tuổi, đã chán cuộc sống xô bồ nơi phố thị nên muốn ra ngoại thành cho yên tĩnh. Hai đứa con lúc đó đã vào cấp ba. Ông quyết định sẽ thuê tài xế đưa rước con đi học mỗi ngày khi chuyển ra ngoại thành sống.
Vợ chồng ông làm kinh doanh, có công ty riêng, có tài xế riêng, việc ra ngoại thành ở không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, sau khi 2 đứa con đi học đại học trong nước, sau đó du học thì căn biệt thự ngoại thành này chỉ còn 2 vợ chồng sinh sống. Năm ngoái, họ đi mua một căn hộ chung cư 70m2 ở quận 5 và cảm thấy vui hơn hẳn. Ông rao bán căn biệt thự ngoại thành ở Bình Chánh này với giá 18 tỷ đã hơn một năm nay nhưng không có ai mua.
Nhiều gia chủ chỉ nhận ra sự bất tiện sau khi đã chuyển về biệt thự ngoại thành sống. Ảnh: costa-rica-immo
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP HCM) kể ông gặp rất nhiều trường hợp các gia chủ mua nhà ở xa rồi không muốn ở. "Tôi vẫn thường khuyên các chủ đầu tư cũng như bạn bè, người thân đang ở độ tuổi lao động khi mua nhà nên quan tâm đến vị trí, sao cho quãng đường từ nhà đến chỗ học của con hay nơi làm việc của cha mẹ phải ngắn nhất có thể. Dù bạn đủ khả năng xây biệt thự to ở ngoại thành cũng không nên làm vì hiệu suất sử dụng rất thấp", ông Truyền kể.
Ông cho biết ngay ở công ty mình, một số nhân viên nhà ở ngoại thành, mỗi ngày cả đi và về hết hơn 2 tiếng, tính ra 4 ngày đi làm đã hết một ngày làm việc. Chưa kể những hôm mưa gió, tắc đường, cố chạy cho kịp giờ làm, giấc ngủ đêm không đủ, đến công ty đã mất hết năng lượng làm việc, vì thế họ thích ở lại công ty hơn. Ngoài việc lựa chọn vị trí ngôi nhà, kiến trúc sư Truyền cũng cho rằng khi xây nhà nên xác định đúng nhu cầu của gia đình để có quy mô đầu tư phù hợp: Chỉ nên bày ra những gì mình đang cần hoặc sẽ cần trong tương lai gần khoảng 5-10 năm.
"Khi nhận các công trình, tôi thường khuyên gia chủ nên đầu tư quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhưng rất nhiều người vẫn thích làm nhà thật to. Thậm chí có những người sẵn sàng vay tiền để thỏa mãn ước mơ có nhà to, nhưng xây xong ở không hết". Ông Nguyễn Xuân Thảo, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân tại TP HCM cũng cho rằng xây nhà vườn hoành tráng ở ngoại thành không phải là một bài toán kinh tế hiệu quả, bởi khi chán, gia chủ rất khó bán. Bất động sản ở xa trung tâm không phải phân khúc dành cho giới nhà giàu.
"Đa số những người mua đất xây nhà ở ngoại thành thường có số tiền khiêm tốn, nên khi bạn đầu tư quá nhiều tiền vào ngôi nhà, bạn sẽ rất khó tiếp cận với người mua", ông Thảo nhận xét.
NhaDatNhanh.vn
![]() |
CHỌN HƯỚNG NHÀ THEO PHONG THỦY |
![]() |